Kế hoạch và binh lực của các bên Trận_Vòng_cung_Kursk

Quân đội Đức Quốc xã

Ý đồ tấn công của quân đội Đức Quốc xã tại vùng cung Kursk theo kế hoạch "Citadel" tháng 4 năm 1943, triển khai ngày 4 tháng 7 năm 1943

Kế hoạch

Sau các cuộc phản công thắng lợi của Cụm tập đoàn quân Nam (Đức) trong chiến dịch Donets, ngày 21 tháng 3 năm 1943, Bộ Tổng tham mưu quân đội Đức Quốc xã bắt tay vào việc soạn thảo một kế hoạch tấn công giành lại quyền chủ động chiến lược trên mặt trận phía đông. Tuy nhiên, quân đội Đức buộc phải lựa chọn hướng tấn công chính vì lực lượng của họ không còn mạnh như mùa hè năm 1942, khi lục quân Đức Quốc xã và đồng minh của có quân số và số lượng các sư đoàn cao nhất trên mặt trận phía đông. Sau khi xem xét kỹ, các hướng bị loại trừ là Leningrad do điều kiện khí hậu không thuận tiện với một nửa thời gian trong năm là mùa đông. Hướng Moskva cũng bị loại vì người Đức cho rằng binh lực phòng thủ chủ yếu của quân đội Liên Xô tập trung tại đây. Hướng cực Nam cũng không khả quan vì vướng hai con sông lớn là Don và Volga mà quân đội Đức Quốc xã với lực lượng mạnh hơn vào năm 1942 đã không vượt qua được.[22] Về hướng tây nam thì trong lãnh đạo quân sự Đức Quốc xã đã có mâu thuẫn. Günther von Kluge cho rằng với những kết quả đạt được hồi mùa xuân năm 1943, có thể giữ chặt hướng Kharkov và tập trung binh lực đánh vào sườn Bắc của vòng cung Kursk nhưng không nhằm phát triển về phía đông nam mà tấn công lên hướng đông bắc. Trước mắt, dùng cánh trái của Cụm tập đoàn quân Trung tâm và cánh phải của Cụm tập đoàn quân Bắc để kiềm chế quân đội Liên Xô ở phía tây Moskva. Còn mũi tiến công chủ đạo sẽ từ khu vực Oryol, Mtsensk, Bolkhov và Lyudinovo tấn công lên hướng đông bắc và luồn vào Moskva từ phía sau. Binh lực còn lại của Cụm tập đoàn quân Nam cũng sẽ tấn công Kursk nhằm kiềm chế hai phương diện quân Liên Xô tại chỗ lồi này để cánh Bắc rảnh tay hoạt động. Hitler không bác bỏ hoàn toàn kế hoạch này nhưng thấy rằng nếu để cả hai phương diện quân Liên Xô tồn tại phía sau cánh quân xung kích tấn công vào phía nam Moskva sẽ là quá mạo hiểm.[23] Ông cho rằng phải thanh toán chỗ lồi Kursk trước tiên. Erich von Manstein cho rằng với lực lượng hiện có, nên tập trung lực lượng để bảo vệ khu vực Donbass - Kharkov - Nikopol mà theo ông, mất khu vực này đồng nghĩa với việc sẽ mất cả Kiev và đồng nghĩa với thất bại. Erich von Manstein cho rằng với kinh nghiệm sử dụng xe tăng phòng ngự, phản công trong các chiến dịch KavkazDonets, Cụm tập đoàn quân Nam sẽ đánh bại các cuộc tấn công tiếp theo của quân đội Liên Xô. Hitler chê trách Manstein thoái chí và ra lệnh cho ông này phải tham gia soạn thảo kế hoạch cùng với Bộ Tổng tham mưu. Cuối cùng, Bộ Tổng tư lệnh quân đội Đức Quốc xã chọn vòng cung Kursk để vạch kế hoạch chiến dịch.[21]

Thống chế Erich von Manstein sau cuộc họp ngày 21 tháng 6 năm 1943 triển khai việc chuẩn bị tấn công của quân đội Đức Quốc xã

Tướng Heinz Guderian, Tổng thanh tra lực lượng xe tăng Đức Quốc xã đã bỏ ra hai ngày 3 và 4 tháng 5 trong thời gian diễn ra Hội nghị các chỉ huy tối cao Đức tại Munich để nghiên cứu các bức không ảnh chụp các tuyến phòng thủ của quân đội Liên Xô tại Kursk và đi đến kết luận rằng cần tập trung tối đa lực lượng xe tăng, thiết giáp để tăng thêm chiều sâu đột phá, nếu người Đức muốn chứng minh cho các đồng minh phương Tây thấy rằng quân đội Đức Quốc xã vẫn còn đủ sức mạnh để đánh bại đối phương.[29]

Ý đồ tấn công của quân đội Đức tại Kursk rất đơn giản. Từ hai hướng Bắc và Nam vòng cung Kursk, tập trung trên các khu vực Oryol và Belgorod các binh đoàn xe tăng mạnh, giáng đòn đột kích đồng tâm từ hai phía vào hợp điểm tại thành phố Kursk, cắt đứt chỗ lồi Kursk, bao vây và tiêu diệt khoảng 8 đến 10 tập đoàn quân Liên Xô đang phòng thủ trong chỗ lồi đó. Bước thứ hai, tiếp tục tấn công về phía đông, hất quân đội Liên Xô trở lại tả ngạn sông Đông, khôi phục lại thế trận ở thượng lưu sông Đông như cuối mùa hè năm 1942. Toàn bộ chiều sâu nhiệm vụ của chiến dịch chỉ có 50 km ở hướng Bắc và 85 km ở hướng Nam. Ở thời điểm những năm 1940 - 1942, các binh đoàn xe tăng Đức có thể vượt qua khoảng cách này chỉ trong vòng từ 1 đến 2 ngày.[23] Trong trận này, quân Đức áp dụng chiến thuật ưa thích của họ trong suốt chiến tranh là chiến thuật gọng kìm (tiếng Đức: Kesselschlacht, nghĩa là "chiến thuật cái chảo") theo hình mẫu của trận Cannae kết hợp cùng với chiến thuật chiến tranh chớp nhoáng nhằm khai thác tối đa hiệu quả. Tuy nhiên, lúc đó, quân Đức đã không nắm trong tay một lợi thế quan trọng bậc nhất của chiến thuật này: tính bất ngờ. Thật vậy, Hồng quân Xô Viết đã nhanh chóng nhận ra rằng Kursk hiển nhiên là mục tiêu kế tiếp của phát xít Đức. Tuy đồng thuận về khía cạnh quân sự thuần túy nhưng một số tướng lĩnh Đức đã nghi ngờ về sự cần thiết của chiến dịch này. Một điều đáng ngạc nhiên là người cật vấn Hitler nhiều nhất lại là tướng Heinz Guderian, Tổng thanh tra các lực lượng xe tăng Đức. Ngày 8 tháng 5, Guderian nói với Hitler:

Có thật là chúng ta cần phải tấn công Kursk và tập trung vào mặt trận phía đông trong năm nay? Liệu trên thế giới này có ai biết Kursk nằm ở chỗ nào? Cả cái thế giới này chả cần quan tâm việc chúng ta có lấy được Kursk hay không. Thế thì lý do gì mà chúng ta cần phải tấn công ở Kursk, và hơn nữa, tấn công trên toàn Mặt trận phía đông trong năm nay?

Hitler đã có một câu trả lời càng đáng ngạc nhiên hơn:

Tôi hiểu chứ. Chính những điều này đã khiến tôi rất sốt ruột.
— Adolf Hitler, [42][43]

Tuy nhiên, nền công nghiệp quốc phòng của nước Đức Quốc xã dù đã đẩy sản lượng hàng tháng lên đến lên đến 1.955 chiếc[23] vẫn chưa đủ xe tăng để cung cấp cho mặt trận. Ngày 10 tháng 5, Hitler ra lệnh hoãn triển khai tấn công cho đến khi loại bỏ 250 xe tăng cũ kiểu Pz-III và phải thay thế ngay bằng 324 chiếc Tiger-I. Mặt khác, việc vận chuyển xe tăng ra mặt trận bị chậm do các tuyến đường sắt vốn đã quá tải còn bị các đội du kích Liên Xô liên tục đánh phá đã khiến Bộ Chỉ huy tối cao quân đội Đức Quốc xã lần thứ hai phải hủy bỏ thời điểm mở chiến dịch trong khoảng từ ngày 19 đến 26 tháng 5.[23] Bình luận về việc hoãn đi hoãn lại thời điểm tấn công của quân đội Đức Quốc xã, thống chế Erich von Manstein đã gọi đó là "sự do dự chết người".[22] Mãi đến ngày 3 tháng 7, Adolf Hitler mới phát đi bản nhật lệnh số 6:

Tôi ra lệnh, trong điều kiện thời tiết mấy ngày tới cho phép, sẽ tiến một trận tấn công lớn đầu tiên trong năm nay vào quân Nga. Các bạn sắp tham gia vào các cuộc tấn công mà kết quả của nó sẽ có tác động quyết định đối với cuộc chiến tranh này. Hơn bao giờ hết, chiến thắng của các bạn sẽ làm cho cả thế giới phải tin rằng, cuối cùng, mọi sự chống cự lại quân đội Đức Quốc xã đều là uổng công.
— Adolf Hitler, [44][45]

Binh lực

Bộ Tổng chỉ huy tối cao quân đội Đức Quốc xã huy động cả hai cụm tập đoàn quân Trung tâm và Nam tham gia trận Kursk. Cánh phải của Cụm tập đoàn quân Trung tâm ở phía bắc được tăng cường những lực lượng của Tập đoàn quân 9 mới rút khỏi chỗ lồi Rzhev - Vyazma. Cánh trái của Cụm tập đoàn quân Nam tấn công ở phía nam Kursk, chỉ để lại Tập đoàn quân xe tăng 1 và Cụm tác chiến Hollidt giữ sườn phía nam đến Biển Đen.

  • Cụm tập đoàn quân Trung tâm do thống chế Günther von Kluge chỉ huy, sử dụng 2 tập đoàn quân tham gia chiến dịch. Trang bị vũ khí đột kích cơ bản gồm 590 xe tăng và 424 pháo tự hành:[4][5][6]
Binh lực của Quân đội Đức Quốc xã trên phía Bắc Vòng cung Kursk
    • Tập đoàn quân xe tăng 2 do các tướng Heinrich Clößner và Walter Model (từ 15 tháng 7) chỉ huy, sở chỉ huy tập đoàn quân đóng tại Oryol; trong biên chế có:
      • Quân đoàn xe tăng 41 của tướng Helmuth Weidling gồm các sư đoàn xe tăng 2 và 18, các sư đoàn bộ binh 86 và 292
      • Quân đoàn xe tăng 46 của tướng Hans ZornHans Gollnick (từ tháng 8 năm 1943) chỉ huy, gồm các sư đoàn xe tăng 4 và 12, các sư đoàn bộ binh 7 và 258
      • Quân đoàn xe tăng 47 của tướng Joachim Lemelsen gồm các sư đoàn xe tăng 9 và 20, các sư đoàn bộ binh 6 và 78
      • Quân đoàn bộ binh 53 của tướng Friedrich Gollwitzer gồm các sư đoàn bộ binh 208, 211 và 293.
      • Quân đoàn bộ binh 55 (quân đoàn Pilau) của tướng Erich Jaschke gồm các sư đoàn bộ binh 110, 134, 296 và 339.
    • Tập đoàn quân 9 do các tướng Walter ModelJosef Harpe (từ 15 tháng 7) chỉ huy; sở chỉ huy tập đoàn quân đóng tại Nikolskoye; trong biên chế có:
      • Quân đoàn xe tăng 56 của tướng Friedrich Hoßbach gồm các sư đoàn xe tăng 5, 25, các sư đoàn bộ binh 14 và 131
      • Quân đoàn bộ binh 23 của tướng Johannes Frießner gồm các sư đoàn bộ binh 76, 216, 383 và sư đoàn cơ giới 10
      • Quân đoàn bộ binh 35 của các tướng Lothar RendulicFriedrich Wiese (từ ngày 5 tháng 8) gồm các sư đoàn bộ binh 34, 56, 262 và 299
    • Tập đoàn quân 2 do tướng Walter Weiss chỉ huy; sở chỉ huy Tập đoàn quân đóng tại Konotop; có nhiệm vụ kiềm chế chính diện phía tây của các Phương diện quân Trung tâm và Voronezh; trong biên chế có:
      • Quân đoàn bộ binh 7 của tướng Ernst-Eberhard Hell gồm các sư đoàn bộ binh 26, 75 và 68.
      • Quân đoàn bộ binh 13 của tướng Friedrich Siebert gồm các sư đoàn bộ binh 82, 327 và 340.
      • Quân đoàn bộ binh 20 của tướng Rudolf Freiherr von Roman gồm các sư đoàn bộ binh 45, 137 và 251.
    • Tập đoàn quân không quân 6 của tướng Robert Ritta von Greim có khoảng 1.200 máy bay phối thuộc Cụm tập đoàn quân Trung tâm
    • Trực thuộc Cụm tập đoàn quân có các sư đoàn bộ binh 102, 208 và sư đoàn kỵ binh 8 SS.
  • Cụm tập đoàn quân Nam do thống chế Erich von Manstein chỉ huy, sử dụng Tập đoàn quân xe tăng 4 và Cụm tác chiến Kemf tham gia chiến dịch. Trang bị vũ khí đột kích cơ bản có 1.269 xe tăng và 245 pháo tự hành:[4][5][6]
Binh lực quân đội Đức Quốc xã ở phía Nam vòng cung Kursk
    • Tập đoàn quân xe tăng 4 do tướng Hermann Hoth chỉ huy, sở chỉ huy đóng tại Bogodukhov, trong biên chế có:
      • Quân đoàn xe tăng 2 SS của tướng Paul Hausser gồm các sư đoàn xe tăng 1 SS ("Adolf Hitler"), 2 SS ("Das Reich"), 3 SS("Totenkopf") và sư đoàn bộ binh 167.
      • Quân đoàn xe tăng 48 của các tướng Dietrich von CholtitzOtto von Knobelsdorff (từ tháng 8 năm 1943) gồm các sư đoàn xe tăng 3, 11, sư đoàn cơ giới "Großdeutschland" và sư đoàn bộ binh 176.
      • Quân đoàn bộ binh 52 (quân đoàn Hannover) của tướng Eugen Ott gồm các sư đoàn bộ binh 57, 112, 255 và 332.
      • Quân đoàn cơ giới 57 (nguyên là quân đoàn xe tăng 57) của tướng Friedrich Kirchner, gồm sư đoàn xe tăng 17, các sư đoàn bộ binh 15 và 328.
    • Cụm tác chiến Kemf của tướng Werner Kempf, sở chỉ huy đạt tại Kharkov, trong biên chế có:
      • Quân đoàn xe tăng 3 của tướng Hermann Breith gồm các sư đoàn xe tăng 6, 7, 19 và sư đoàn bộ binh 168.
      • Quân đoàn "Raus" (nguyên là Quân đoàn bộ binh 11) của tướng Erhard Raus gồm các sư đoàn bộ binh 106 và 320
      • Quân đoàn bộ binh 42 của tướng Franz Mattenklott gồm sư đoàn xe tăng 13, các sư đoàn bộ binh 153, 355 và 381.
    • Tập đoàn quân không quân 4 của tướng Wolfram von Richthofen phối thuộc Cụm tập đoàn quân Nam có khoảng 1.000 máy bay.

Tổng số binh lực mà lục quân, không quân Đức huy động cho "Kế hoạch Thành Trì" có mật độ chưa từng có kể từ ngày đầu cuộc Chiến tranh Xô-Đức. Trên một địa đoạn chỉ 600 km phía trước và hai bên vòng cung Kursk (chiếm không quá 14% tổng độ dài mặt trận Xô-Đức), Quân đội Đức Quốc xã đã tập trung 950.000 quân, 2.078 xe tăng và 850 pháo tự hành (tổng cộng 2.928 xe), 9.467 pháo (không kể pháo dưới 45 mm), hơn 2.200 máy bay chiếm 17% số sư đoàn bộ binh, 70% số sư đoàn xe tăng, 30% số sư đoàn cơ giới và 60% số máy bay của Đức trên mặt trận phía đông.[46]

Về chất lượng vũ khí, Đức đưa ra một loạt vũ khí mới để tung vào chiến dịch này. Trong số 2.928 xe tăng và pháo tự hành, chỉ có 108 chiếc Panzer II là loại hạng nhẹ (dùng để trinh sát), 2.820 xe tăng và pháo tự hành còn lại của Đức đều là các loại hạng trung hoặc hạng nặng. Các xe tăng hạng trung Panzer IV và pháo tự hành StuG-3 đã được nâng cấp để trang bị pháo 75mm L/48, có thể đối đầu hiệu quả với xe tăng T-34 của Liên Xô. Trên hết, Hitler đặc biệt kỳ vọng vào hai loại xe tăng hạng nặng kiểu mới Tiger I (Con Cọp), Panther (Con Báo), và pháo tự hành hạng nặng Elefant (Con Voi). Đức đã huy động tổn cộng 259 chiếc Panther, 211 chiếc Tiger I và 90 chiếc Elefant cho chiến dịch (tổng cộng 560 chiếc[47]). Đây là các loại xe hạng nặng có hỏa lực mạnh và vỏ giáp dày hơn hẳn đối thủ hạng trung T-34 của Liên Xô, qua đó sẽ giành lại ưu thế cho lực lượng thiết giáp Đức. Giáp trước của các loại xe này cũng được chế tạo đủ dày để chống chọi tốt với hầu hết các loại pháo chống tăng của Liên Xô nhằm tăng thêm khả năng đột phá, chọc thủng phòng tuyến của đối phương. Tất nhiên, để có được những ưu thế công nghệ, các loại xe hạng nặng này phải đánh đổi bằng chi phí sản xuất đắt đỏ, không dễ để chế tạo thay thế nếu bị tổn thất với số lượng lớn.

Quân đội Liên Xô

Kế hoạch

Sơ đồ bố trí binh lực hai bên trong trận Kursk

Những thông tin đầu tiên về một kế hoạch tấn công có tên là "Thành Trì" (Zitadelle) đã được một nhóm tính báo Xô Viết mật danh "Dora" do sĩ quan GPU Radó Sándor (người Hungari) thu nhận được. Thông qua nhân viên tình báo Liên Xô có bí danh Rudolf Rössler hoạt động tại Thụy Sĩ. Những tin tức này được chuyển đến Đại bản doanh Bộ Tổng tư lệnh tối cao Liên Xô ngày 18 tháng 3 năm 1943, khi Bộ Tổng tham mưu quân đội Đức mới chỉ hình thành ý đồ của kế hoạch này. Dựa vào các tin tức ban đầu và tin tức phối kiểm, ngày 8 tháng 4 năm 1943, nguyên soái G. K. Zhukov báo cáo với Tổng tư lệnh tối cao I. V. Stalin:

Tình hình ở khu vực giữa mặt trận Xô-Đức cho thấy kẻ thù sẽ cố gắng để cắt đứt "chỗ lồi" Kursk, bao vây và tiêu diệt các lực lượng quân đội Liên Xô thuộc Phương diện quân Trung tâm và Phương diện quân Voronezh đang bố trí tại đây. Hiện tại, cả hai phương diện quân mới có 15 sư đoàn xe tăng, trong khi quân Đức tại hướng Belgorod - Kharkov đã tập trung tới 17 sư đoàn xe tăng, phần lớn thuộc các loại xe tăng mới như Tiger I, Panther cải tiến, Jagdpanzer IV và một số pháo chống tăng tự hành Marder II, Marder III.
— Konstantinov.[48]
Đại tướng K. K. Rokossovsky, Tư lệnh Phương Diện quân và Bộ tham mưu Phương diện quân Trung Tâm tại cánh Bắc của Vòng cung Kursk

Ban đầu, I. V. Stalin chưa tin vào kết luận của Zhukov. Tuy nhiên, từ ngày 12 đến ngày 15 tháng 4, khi I. V. Stalin điện hỏi ý kiến của tất cả các tư lệnh phương diện quân và các sĩ quan cao cấp của Bộ Tổng tham mưu thì đều nhận được câu trả lời thống nhất: Đó là Kursk.[25] Từ cuối tháng 4 năm 1943 đến đầu tháng 6 năm 1943, quân đội Liên Xô bắt đầu xây dựng ba tuyến phòng thủ tại khu vực Oryol - Lgov - Kursk - Oboyan - Vovchansk - Elets - Stary Oskol - Novo Oskol và Voronezh dài trên 600 km, sâu gần 300 km. Tại chỗ lồi Kursk bố trí 3 lớp phòng thủ tuyến ngoài, chạy gần như song song với tuyến mặt trận, lần lượt cách tuyến đầu 5 đến 8 km, 15 đến 25 km và 30 đến 35 km với ba trung tâm vững chắc là Lgovsk, Kursk và Shchigry. Tuyến thứ hai gần như song song với kinh tuyến 380 Đông, gồm hai lớp phòng thủ. Lớp thứ nhất chạy dọc theo sông Tim từ Khomutovo qua Livny, Evlanovo, Cheremisinovo, Tim, Gushino (Kuskino), Novy Oskol. Lớp thứ hai tách ra từ Livny dọc theo sông Kshyon đến phía tây Stary Oskol, nối lại với lớp thứ nhất ở Gubkin. Cuối cùng là tuyến phòng thủ quốc gia chạy dọc theo sông Đông, trùng với tuyến phòng thủ của quân đội Liên Xô trước ngày 1 tháng 1 năm 1943.[49]

Từ tháng 3 đến tháng 6 năm 1943, quân đội Liên Xô chuẩn bị kỹ lưỡng cho chiến dịch. Đã có hai lần, các mặt trận nhận được "báo động khẩn cấp". Lần thứ nhất, tình báo Liên Xô cho biết cuộc tấn công sẽ bắt đầu trong khoảng từ ngày 10 đến ngày 12 tháng 5 nhưng cuộc tấn công đã không diễn ra. Lần thứ hai, các tin tình báo lại cho biết khoảng thời gian quân Đức sẽ chuyển sang tần công vào khoảng từ ngày 19 đến 26 tháng 5 nhưng quân Đức vẫn án binh bất động. Trong thời gian chờ đợi đó, một số tư lệnh phương diện quân như K. K. Rokossovsky, Popov đề nghị nên tranh thủ thời gian quân Đức còn đang chuẩn bị để ra đòn tấn công chặn trước đối phương. Trái với các ý kiến đó, các lãnh đạo chủ chốt của Bộ Tổng tư lệnh quân đội Liên Xô đều thấy tốt nhất là nên mở chiến dịch phòng ngự, đánh tiêu hao các tập đoàn quân xe tăng Đức trên các tuyến phòng thủ. Sau khi cuộc tấn công của quân Đức suy yếu và buộc phải dừng lại thì lúc đó, với lực lượng dự bị dồi dào trong tay, quân đội Liên Xô sẽ ngay lập tức mở tiếp cuộc phản công mà không cần có thời gian tạm dừng chiến dịch.[50]

Bức điện báo những thông tin đầu tiên về "Kế hoạch Thành trì" của Đức Quốc xã do nhóm tình báo "Dora" thu thập được và báo cáo về Đại bản doanh qua đường dây Thụy Sĩ

Một điều hài hước là quân Đức đã trì hoãn ngày tấn công để tăng cường thêm binh lực, nhưng chính việc này lại giúp cho Hồng quân có thêm ba tháng quý báu để chuẩn bị kỹ lưỡng cho trận đại chiến, và kết quả vòng cung Kursk trở thành một trong những khu vực được bố phòng dày đặc nhất trong lịch sử chiến tranh.[cần dẫn nguồn] Phương diện quân Trung tâmPhương diện quân Voronezh sẽ là hai đơn vị đối mặt với các mũi tấn công của phát xít Đức. Với những lực lượng dự bị mới được xây dựng lên đến 10 tập đoàn quân. Bộ Tổng tư lệnh tối cao Liên Xô đã xây dựng cả một Phương diện quân dự bị mới (từ ngày 9 tháng 7 đổi thành Phương diện quân Thảo Nguyên) và bố trí nó trên tuyến phòng thủ chiến lược quốc gia dài trên 300 km, cách vòng cung Kursk từ 150 đến 300 km về phía đông là các đơn vị dự bị chiến lược. Ngoài ra, hơn một triệu quả mìn đã được binh sĩ và nhân dân Liên Xô chôn dày đặc trên tổng chiều dài các chiến hào phòng thủ lên đến 5.000 km.[49] Tổng cộng số quân Liên Xô tham chiến là 1,3 triệu người, 3.600 xe tăng, 20.000 pháo cối và 2.792 máy bay, chiếm 26% quân số và số lượng pháo cối, 35% số máy bay và 46% số xe tăng thiết giáp của Hồng quân Xô Viết.[51]

Công tác hậu cần cũng được chú trọng chuẩn bị hơn rất nhiều so với các chiến dịch trước đó. Mỗi sư đoàn Liên Xô đều được biên chế một tiểu đoàn quân y với hai bệnh viện dã chiến và hàng chục trạm phẫu thuật. Đạn dược các loại được tích lũy từ 10 đến 15 cơ số. Riêng đạn lựu pháo và đạn pháo tăng đạt 18 cơ số. Xăng dầu cho các đơn vị xe tăng được đảm bảo 20 cơ số.[52] Đến thời điểm trước tháng 7 năm 1943, quân đội Liên Xô đã có ưu thế chung trên toàn mặt trận Xô-Đức so với quân đội Đức Quốc xã. Riêng tại khu vực vòng cung Kursk, quân đội Liên Xô cũng đã có ưu thế 1,4:1 về người;, 1,9:1 về pháo và súng cối; 1,3:1 về xe tăng và 1,6:1 về máy bay. Mật độ pháo chống tăng của quân đội Liên Xô trên các tuyến cũng cao hơn bất kỳ chiến dịch phòng thủ nào trước đó. Ở Ponyri trên hướng Oryol - Kursk, một quân đoàn pháo binh lấy từ lực lượng dự bị của Đại bản doanh đã được triển khai gồm hơn 700 khẩu, đạt mật độ 92 khẩu pháo chống tăng trên 1 km chính diện. Ở hướng Belgorod - Kursk mật độ này cũng đạt 30 khẩu pháo chống tăng trên 1 km chính diện.[53] Về xe tăng, ngoài xe tăng hạng trung T-34 được sử dụng phổ biến, mỗi quân đoàn xe tăng Liên Xô đều có từ 1 đến 2 tiểu đoàn được trang bị xe tăng hạng nặng IS-1 có tính năng không thua kém xe tăng Tiger I của Đức. Không quân Liên Xô có loại máy bay cường kích IL-2 hoạt động ở tầm thấp (dưới 100 m) chuyên dùng để diệt xe tăng[cần dẫn nguồn]. Không quân Đức Quốc xã không có vũ khí tương đương[cần dẫn nguồn]. Tất cả những yếu tố đó đã làm cho Bộ Tổng tư lệnh tối cao Liên Xô tự tin hạ quyết tâm mở chiến dịch phòng thủ - phản công.[34]

Binh lực

Xe tăng hạng nặng IS-1, vũ khí mới của Liên Xô trong trận Kursk

Trong tổng số năm Phương diện quân Liên Xô có mặt tại chiến trường miền trung nước Nga năm 1943 và tham gia trận Kursk, hai tập đoàn quân Trung tâm và Voronezh giữ vai trò chính trong giai đoạn phòng ngự. Các đơn vị cánh trái của Phương diện quân Bryansk và cánh phải của Phương diện quân tây nam cùng toàn bộ Phương diện quân Thảo nguyên tham gia vào giai đoạn phản công.

  • Phương diện quân Trung tâm do thượng tướng Konstantin Konstantinovich Rokossovsky làm tư lệnh, sở chỉ huy đặt tại Vorobievka, trong biên chế có:
    • Tập đoàn quân xe tăng 2 của tướng A. G. Rodin, gồm các quân đoàn xe tăng 3, 16 và 19, các lữ đoàn bộ binh 16 và 115.
    • Tập đoàn quân 13 của tướng N. P. Pukhov, gồm Quân đoàn bộ binh 29 (các sư đoàn 8, 74, 143) các sư đoàn bộ binh 15, 132, 148, 307, lữ đoàn xe tăng 2, các lữ đoàn bộ binh 118 và 129.
    • Tập đoàn quân 48 của tướng P. L. Romanenko, gồm Quân đoàn bộ binh cận vệ 17 (sư đoàn bộ binh cận vệ 6 và các sư đoàn bộ binh 41, 81), các sư đoàn bộ binh 73, 211, 280 và lữ đoàn xe tăng 202.
    • Tập đoàn quân 60 của tướng I. D. Cherniakovsky, gồm các sư đoàn bộ binh 100, 121, 206, 232 và 303, các lữ đoàn bộ binh 8, 14 và 16, các lữ đoàn xe tăng 14 và 180.
    • Tập đoàn quân 65 của tướng P. I. Batov, gồm Quân đoàn xe tăng 9, sư đoàn bộ binh cận vệ 27, các sư đoàn bộ binh 23, 24, 173, 214, 233 và 304.
    • Tập đoàn quân 70 của tướng I. B. Galanin, gồm các sư đoàn bộ binh 102, 106, 140, 162, 175, 181 và lữ đoàn xe tăng 27.
    • Tập đoàn quân không quân 16 của tướng S. I. Rudenko gồm sư đoàn tiêm kích 2 (gồm các trung đoàn 223, 285), các sư đoàn cường kích 220 và 283 sư đoàn ném bom 228, sư đoàn ném bom ban đêm 271 và sư đoàn vận tải 16.
    • Số lượng xe tăng được trang bị: 135 xe T-60, 239 xe T-70, 841 xe T-34, 85 xe M3 Lee, 9 xe M3 Stuart, 38 xe M4 Sherman, 19 xe Valentine/Matilda, 75 xe KV-1. Số pháo tự hành được trang bị: 44 xe SU-76, 47 xe SU-122 và 24 xe SU-152.
  • Phương diện quân Voronezh do đại tướng Nikolai Fyodorovich Vatutin làm tư lệnh, sở chỉ huy đặt tại Vobryshevo (cách Oboyan 20 km về phía đông), trong biên chế có:
Bố trí binh lực phòng thủ của Quân đội Liên Xô ở phía Nam Vòng cung Kursk
    • Tập đoàn quân xe tăng 1 của tướng M. E. Katukov gồm Quân đoàn xe tăng cận vệ 5, các quân đoàn xe tăng 6, 31 và quân đoàn cơ giới 3.
    • Tập đoàn quân cận vệ 6 của tướng I. M. Chistyakov gồm các quân đoàn bộ binh cận vệ 22, 23.
    • Tập đoàn quân cận vệ 7 của tướng M. S. Sumilov gồm các quân đoàn bộ binh cận vệ 24 và 25.
    • Tập đoàn quân 38 của tướng N. E. Chibisov gồm các sư đoàn bộ binh 167, 181, 204, 232, 240, 340 và lữ đoàn xe tăng 192.
    • Tập đoàn quân 40 của tướng K. S. Moskalenko gồm các sư đoàn bộ binh 161, 184, 206, 219, 237, 309 và lữ đoàn xe tăng 86.
    • Tập đoàn quân 69 của tướng V. D. Kryuchenkin gồm Quân đoàn xe tăng cận vệ 2, các sư đoàn bộ binh 31, 183, 390, 270, các sư đoàn đổ bộ đường không 1 và 37, Lữ đoàn pháo chống tăng 173.
    • Quân đoàn bộ binh cận vệ 35.
    • Tập đoàn quân không quân 2 của tướng Stepan Akimovich Krasovsky gồm các sư đoàn tiêm kích 5 và 10, sư đoàn cường kích 202, 208, các sư đoàn ném bom 227 và 291, các sư đoàn ném bom ban đêm 372 và 385, các sư đoàn trinh sát, liên lạc 50 và 66.
  • Phương diện quân Thảo nguyên do đại tướng Ivan Stepanovich Koniev làm tư lệnh, sở chỉ huy đóng tại Voronezh, trong biên chế có:
    • Tập đoàn quân xe tăng cận vệ 5 của tướng P. A. Rotmistrov gồm các quân đoàn xe tăng cận vệ 18, 29, quân đoàn xe tăng 10 và quân đoàn cơ giới cận vệ 5.
    • Tập đoàn quân cận vệ 5 của tướng A. S. Zhadov gồm Quân đoàn xe tăng 2 và các quân đoàn bộ binh cận vệ 32, 33.
    • Tập đoàn quân 27 của tướng S. G. Trofimenko gồm Quân đoàn kỵ binh cận vệ 3, Quân đoàn bộ binh 47 (gồm các sư đoàn 38, 136, 180) và các sư đoàn bộ binh độc lập 206, 309, 337.
    • Tập đoàn quân 46 của tướng V. V. Glagolyev gồm Quân đoàn xe tăng cận vệ 4, Quân đoàn bộ binh cận vệ 6 (Sư đoàn bộ binh cận vệ 20, các sư đoàn bộ binh 152, 353) và Quân đoàn bộ binh 34 (các sư đoàn bộ binh 195, 236, 394)
    • Tập đoàn quân 53 của tướng I. M. Managarov gồm Quân đoàn kỵ binh cận vệ 7, Quân đoàn bộ binh 48 (Sư đoàn bộ binh cận vệ 14, các sư đoàn bộ binh 252, 299), Quân đoàn bộ binh 75 (các sư đoàn bộ binh 116, 213, 233) và các lữ đoàn bộ binh 63, 122.
    • Quân đoàn cơ giới cận vệ 1 của tướng I. N. Rusyanov.
    • Quân đoàn kỵ binh cận vệ 5 của tướng A. G. Selivanov gồm các sư đoàn kỵ binh Cossack Sông Đông 11, 12 và sư đoàn bộ binh 63
    • Tập đoàn quân không quân 5 của tướng S. K. Goryunov gồm Sư đoàn tiêm kích cận vệ 1, sư đoàn tiêm kích 293, các sư đoàn cường kích 203, 205 và 266, các sư đoàn ném bom ban ngày 292 và 294, các sư đoàn ném bom ban đêm 302, 304, 312, các sư đoàn ném bom tầm xa 511, 714, sư đoàn vận tải 18, trung đoàn trinh sát 85, các trung phòng không 1001, 1561 và 1562.
    • Số lượng xe tăng được trang bị: 46 xe T-60, 308 xe T-70, 1.012 xe T-34, 65 xe M3 Lee, 68 xe M3 Stuart, 21 xe Valentine Mk-II, 18 xe Matilda Mk-III, 42 xe Churchill Mk-IV, 23 xe KV-1. Số pháo tự hành được trang bị: 18 xe SU-76, 24 xe SU-122 và 12 xe SU-152.
  • Phương diện quân Briansk do tướng M. M. Popov chỉ huy tham gia giai đoạn phản công, trong biên chế có:
    • Tập đoàn quân 3 của tướng A. V. Gorbatov gồm các quân đoàn bộ binh 25, 41 và 42.
    • Tập đoàn quân 61 của tướng P. A. Belov gồm Quân đoàn bộ binh cận vệ 9, Quân đoàn kỵ binh cận vệ 2 và Quân đoàn bộ binh 89
    • Tập đoàn quân 63 của tướng B. I. Morozov gồm các quân đoàn bộ binh 35, 40 và 53.
    • Tập đoàn quân xe tăng cận vệ 3 của tướng P. S Rybalko gồm các quân đoàn xe tăng cận vệ 6, 7, Quân đoàn cơ giới cận vệ 7 và Lữ đoàn xe tăng 91.
    • Tập đoàn quân không quân 15 của tướng N. F Naumenko gồm sư đoàn tiêm kích 225, các sư đoàn cường kích 284, 286, sư đoàn trinh sát, vận tải 32, sư đoàn ném bom 778, các sư đoàn ném bom tầm xa 876, 877, 879.
  • Phương diện quân tây nam do thượng tướng Rodion Yakovlevich Malinovsky làm tư lệnh, sử dụng cánh phải tham gia giai đoạn phản công gồm có:
    • Tập đoàn quân 57 của tướng N. A. Gagen gồm các sư đoàn bộ binh cận vệ 14, 48 và 56, các sư đoàn bộ binh 19, 52 và 303, sư đoàn pháo chống tăng 1, sư đoàn pháo 179 và lữ đoàn xe tăng 173.
  • Phương diện quân Tây do thượng tướng Vasily Danilovich Sokolovsky làm tư lệnh, sử dụng cánh trái tham gia giai đoạn phản công gồm có:
    • Tập đoàn quân cận vệ 11 của tướng I. Kh. Bagramian gồm các quân đoàn bộ binh cận vệ 8, 16 và 36.
    • Tập đoàn quân 50 của tướng I. V. Boldin gồm quân đoàn bộ binh 46 (các sư đoàn 238, 369, 380) các sư đoàn bộ binh 108, 110, 324, 413, Lữ đoàn xe tăng 233, các lữ đoàn cơ giới 21 và 43.
    • Tập đoàn quân xe tăng 4 của tướng B. M. Badanov gồm các quân đoàn xe tăng 11, 30 và Quân đoàn cơ giới cận vệ 6.

Tổng số lượng xe chiến đấu được Liên Xô huy động là 4.938 chiếc, trong đó có 4.679 xe tăng và 259 pháo tự hành[54] Tuy có số lượng gần gấp đôi quân Đức nhưng chất lượng xe của Liên Xô yếu hơn, cụ thể:

  • Trên 30% số xe tăng và pháo tự hành của Liên Xô (tức khoảng 1.500 xe) là các loại hạng nhẹ như T-60, T-70... Các xe này có hỏa lực yếu và giáp mỏng, gần như không có khả năng chống lại xe tăng hạng trung của Đức nên thường chỉ dùng để trinh sát.
  • Khoảng 65% số xe tăng và pháo tự hành của Liên Xô (tức khoảng 3.200 xe) là các loại hạng trung. Trong số này, khoảng 2.800 xe là T-34 và pháo tự hành SU-76, các loại xe này có thể chiến đấu tốt với Panzer IIIPanzer IV, nhưng vẫn bị xe tăng hạng nặng kiểu mới của Đức như Panther, Tiger I vượt trội hoàn toàn về hỏa lực và vỏ giáp. 400 xe hạng trung còn lại là những loại được Mỹ, Anh viện trợ như M3 Lee, M3 Stuart, Valentine Mk-II, Churchill Mk-IV... nhưng nhìn chung những loại tăng này có hoả lực và vỏ giáp kém hơn T-34Panzer IV.
  • Về xe tăng và pháo tự hành hạng nặng, Liên Xô chỉ có 225 chiếc (chỉ chiếm khoảng 5% tổng số xe), bao gồm khoảng 190 xe tăng các loại KV-1, IS-1 và 36 chiếc pháo tự hành SU-152. Trong khi đó, quân Đức huy động khoảng 560 xe hạng nặng (Panther, Tiger I và Ferdinand). Về xe hạng nặng, Đức có nhiều hơn Liên Xô 2,5 lần.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Trận_Vòng_cung_Kursk http://www.amazon.com/s?search-alias=stripbooks&fi... http://www.angelfire.com/wi2/foto/ww2/proh/page4.h... http://akas.imdb.com/title/tt0198811/combined http://dialspace.dial.pipex.com/town/avenue/vy75/d... http://www.youtube.com/watch?v=3o2RfD3Y8Zc&feature... http://www.youtube.com/watch?v=HMkqJVY0vyw&feature... http://www.youtube.com/watch?v=K_gifjNJ0hU&feature... http://www.youtube.com/watch?v=QPjEgYB38_k&feature... http://www.youtube.com/watch?v=SxfGuA1QAho&feature... http://www.youtube.com/watch?v=T7OQ6mdcyGQ&feature...